Đề thi văn THPT 2021

Thí sinh đặc cách tốt nghiệp, xét tuyển đại học ra sao?

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đồng ý xét đặc cách công nhận tốt nghiệp với các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19. Vậy, với nhóm đối tượng này, các em sẽ xét tuyển đại học theo hình thức nào và số lượng chỉ tiêu dành lại cho các em là bao nhiêu?

Không ít phụ huynh và thí sinh cũng lo lắng vì xét tuyển đại học theo kết quả thi tốt nghiệp THPT lại là phương án tuyển sinh chủ chốt của nhiều trường đại học trong những năm qua. Cơ hội nào cho diện thí sinh này khi muốn vào đại học?

Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Hiện dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách xét tốt nghiệp, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. 

Thực tế, trong công tác tuyển sinh năm học 2021, ngoài việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường Đại học còn đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác như: xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển theo hình thức kết hợp, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế,… Chỉ tiêu cụ thể cho từng phương án sẽ được các trường điều chỉnh để đảm bảo kế hoạch và chất lượng tuyển sinh đầu vào năm học 2021-2022.

Trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TP.HCM chính là hướng giải quyết mà các thí sinh phía Nam có thể nắm bắt. Trước thềm thi tốt nghiệp THPT, đây cũng chính là sự lựa chọn của nhiều thí sinh nhằm nâng cao cơ hội trúng tuyển.

Liên quan đến quyền lợi của các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp, Vụ Giáo dục Đại học đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này. Việc xét tuyển phải được thực hiện các bước theo đúng quy định. Trong trường hợp các đợt xét tuyển có cùng phương thức xét tuyển, cùng tiêu chí xét tuyển thì điều kiện trúng tuyển vào trường là phải như nhau.

Sau khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với các trường và đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Lịch tuyển sinh sẽ không quá muộn, đảm bảo kế hoạch tuyển sinh, nhập học của thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch cụ thể, trong đó có phương án tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển đặc cách.

Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Phạm Như Nghệ cho biết, nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thí sinh đặc cách có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐSP, Bộ đã có văn bản và trao đổi trực tiếp, đề nghị hai Đại học Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho các đối tượng này.

Các cơ sở GDĐH có thể căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực, học bạ hoặc phương thức khác để xét tuyển, đảm bảo công bằng, khách quan. Phương thức xét tuyển hoàn toàn do các cơ sở GDĐH quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở GDĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo. Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐSP, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Sau khi thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Bộ GD&ĐT sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp. Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ GDĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định.

Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐSP thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định.

Đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.

Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.

Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.

Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển ĐH, CĐSP, Vụ GDĐH đề nghị các cơ sở GDĐH tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này.

Trên đây là thông tin tổng hợp các đề xuất xét tuyển đại học đối với các thí sinh đặc cách tốt nghiệp của Hội Gia sư Đà Nẵng, đây cũng chính là kinh nghiệm cho các bạn 2k4 năm sau, hãy luôn chủ động trong đăng ký xét tuyển, luôn dự tính những tình huống khách quan.

(Visited 93 times, 1 visits today)

Leave a Comment