cho trẻ làm việc nhà

Học gì trong mùa dịch Covid – Corona 2019?

Các tỉnh, thành trong cả nước đã quyết định cho học sinh nghỉ học ít nhất thêm 2 tuần nữa để tránh dịch Covid-19. Việc này là cần thiết vì an toàn là trên hết. Vấn đề là học sinh, trong đó có các con tôi, sẽ học gì trong những ngày nghỉ này?

cho trẻ làm việc nhà
Cho trẻ làm việc nhà mùa dịch Covid

Theo tôi, trong những ngày nghỉ học do dịch, chỉ nên cho học sinh học hai thứ sau đây:

Về phía gia đình

Hãy dạy con học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà, vệ sinh cá nhân, lên kế hoạch học và chơi… dưới sự hướng dẫn của ông bà, cha mẹ. Nói rộng hơn là giúp con học cách tổ chức cuộc sống cá nhân và gia đình. Đây là việc học thiết thực và quan trọng. Người hướng dẫn chính là ông bà, cha mẹ, anh chị lớn trong nhà.

Hãy coi 2 tuần nghỉ thêm này là cơ hội để dạy con những thứ này. Theo tôi, đây là những thứ quan trọng hơn cả việc học kiến thức ở trường. Trước đây trẻ đến trường cả ngày và mắc kẹt vào bài vở nên không ưu tiên học các kỹ năng này. Nay nhân cơ hội được nghỉ ở nhà, cha mẹ nên có kế hoạch dạy con các kỹ năng này. Kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết thì càng tốt.

Rất có thể sau kỳ nghỉ, đây lại là khoảng thời gian trưởng thành nhất cho các con và cho cả cha mẹ. Quan trọng là cha mẹ phải coi đây như một cơ hội dạy con những điều quan trọng. Còn nếu không, 2 tuần sẽ trôi đi trong mệt mỏi và chán nản của cha mẹ và các con.

Để làm được điều đó, cha mẹ cần lên kế hoạch từng ngày cho các nội dung này: Học gì/làm gì, vào ngày nào, ai hướng dẫn, kết quả mong đợi là gì? Sau đó là thảo luận với con về các nội dung đó. Hãy nhìn vào mắt nhau, thống nhất với nhau thật cụ thể rõ ràng. Gật đầu. Mỉm cười. Làm thôi nào!

Kinh nghiệm cá nhân cho thấy các con rất thích tham gia những việc này, vì đây là những việc thật, được làm thì vừa vui vừa hữu ích, lại lồng trong không khí chống dịch, nên trẻ sẽ thấy như một việc làm ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mình.

Với con tôi, 2 tuần vừa rồi chúng tôi chỉ dạy nội dung thứ nhất, xoay quanh cuộc sống gia đình. Sang 2 tuần tới, chúng tôi sẽ mở sang nội dung thứ hai, xoay quanh việc tìm hiểu về dịch Covid-19. Các nội dung khác, như làm phiếu bài tập do trường gửi về nhà, chúng tôi sẽ không yêu cầu con phải thực hiện.

TS Giáp Văn Dương

Từ phía nhà trường

Hiện nhiều trường giao phiếu bài tập về nhà và yêu cầu các con làm rồi nộp lại qua email, hay chụp hình gửi lại cho giáo viên. Một số trường tổ chức dạy trực tuyến. Nhưng quan sát cá nhân tôi thấy việc này không hiệu quả.

Vì sao? Vì đây chỉ là một cách đối phó. Về bản chất, đó là cách các trường đối phó với dịch bệnh và đối phó với phụ huynh, có tính tạm thời chứ không theo kế hoạch. Điều này dẫn đến thầy cô dạy và giao bài về nhà cũng chỉ như một cách đối phó với phụ huynh, vì nếu không thì phụ huynh sẽ có ý kiến.

Phụ huynh gây áp lực cho ban giám hiệu (trường tư) và cơ quan quản lý (trường công), yêu cầu “phải dạy gì đó cho con tôi đi chứ”. Thế là có chỉ đạo, yêu cầu giáo viên phải gửi phiếu về nhà, phải dạy trực tuyến… trong sự khiên cưỡng. Thực chất, đây chỉ là sự đối phó của nhà trường và người quản lý giáo dục với phụ huynh, với xã hội, nên không hiệu quả.

Thầy đã dạy đối phó như thế thì trò tất nhiên cũng học đối phó. Phiếu gửi về nhà, hay học trực tuyến, tự ôn thì chán và không hiệu quả vì trẻ phân tâm vào việc chơi, việc ngủ, tivi, mạng Internet, hoặc những cuộc cãi vã.

Tại nhà, trẻ thiếu không gian học đường, thiếu cả không khí học tập như ở trường. Làm việc tại nhà hiệu quả là một việc khó, một thách thức cho cả người lớn chứ không gì trẻ nhỏ. Mà trẻ con rất tinh. Các con sẽ hiểu ngay đây chỉ là học đối phó. Chậm trễ cũng không sao. Không làm hết bài cũng không sao. Thầy cô, cha mẹ đều tặc lưỡi xuê xoa thông cảm cho nhau. Vì tất cả đều đang đối phó cơ mà! Sao con lại phải chăm chỉ tận tình khi tất cả đều đối phó như vậy?

Kết quả là việc dạy và việc học sẽ cứ lửng lơ, “dở ông dở thằng” như vậy. Lý do sâu xa là tất cả những việc này chỉ là đối phó và chắp vá tạm thời. Mỗi người, tùy ở mỗi vị trí mà đối phó với ai và theo cách như thế nào. Mà đã là đối phó thì có bao giờ hiệu quả?

Vậy thì nhà trường nên hướng dẫn các con học gì? Tôi cho rằng hữu ích nhất là nhà trường giao cho các con một dự án nhỏ: Tìm hiểu về dịch Covid-19, cách phòng tránh và thuyết trình sau khi trở lại trường. Tùy theo tuổi tác và bậc học mà mức độ chi tiết của bài thuyết trình sẽ khác nhau. Trẻ lớp 1 sẽ thuyết trình theo kiểu lớp 1. Học sinh lớp 12 sẽ thuyết trình theo kiểu của học sinh lớp 12. Chỉ như vậy thôi, nhưng với trẻ, dự án này sẽ rất hào hứng và hiệu quả.

Hào hứng vì sao? Vì trẻ sẽ không phải ngồi “nhai” các phiếu bài tập khô khốc do nhà trường gửi về nhà. Trước ở lớp có thầy cô hướng dẫn, làm bài tập còn chán nữa là nay phải tự mày mò. Thay vào đó, nếu làm dự án tìm hiểu về Covid-19 thì trẻ có thể xem tivi, hỏi người lớn, lên mạng đọc báo để tìm hiểu về virus corona, về dịch Covid-19, về cách phòng tránh hiệu quả, cả ở Việt Nam và trên thế giới.

Như thế, trẻ có thể sử dụng toàn bộ thông tin và cuộc sống xung quanh để làm nội dung cho phần khảo cứu và thuyết trình của mình. Trẻ sẽ không chỉ thu thập được các kiến thức về y học và dịch bệnh, mà còn cả về địa lý, dân số, kinh tế – xã hội, nhân văn, những viễn cảnh có thể xảy ra cho bản thân, quốc gia và quốc tế. Trẻ cũng biết cách thu thập và xử lý thông tin, rồi trình bày thông tin đó sao cho thuyết phục trước người khác.

Tác dụng cả cuộc đời

Không có chủ đề học tập nào phù hợp hơn, sống động hơn và hữu ích hơn vào lúc này bằng việc yêu cầu trẻ thực hiện dự án nhỏ: tìm hiểu về dịch Covid-19.

Những kiến thức về dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, y tế cộng đồng, báo chí truyền thông, các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, trình bày và thuyết trình cho người khác, các hình dung về ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống cá nhân và xã hội, trên đủ các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, nhân văn… mà trẻ thu được qua dự án này sẽ có tác dụng đến tận cuối cuộc đời.

(Visited 15 times, 1 visits today)

Leave a Comment